Hướng dẫn các nhà trường thực hiện nhiệm nhiệm vụ công tác quản lý chất lượng và giáo dục nghề nghiệp năm học 2021-2022
A. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Nâng cao chất lượng công tác tự đánh giá của các cơ sở giáo dục; tổ chức công tác đánh giá ngoài hiệu quả, đảm bảo kế hoạch công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
2. Tổ chức các kỳ thi theo hướng ổn định; tiếp tục khảo sát các lớp cuối cấp theo đề chung của Sở GDĐT.
3. Quản lý chặt chẽ công tác tổ chức thi.
B. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ
I. Công tác khảo thí
1. Kiểm tra, đánh giá học sinh
Nâng cao năng lực, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên về công tác thi, kiểm tra, đánh giá; gắn trách nhiệm của cá nhân vào từng nhiệm vụ cụ thể.
Triển khai công tác kiểm tra, đánh giá xếp loại học sinh theo quy chế của Bộ GDĐT bảo đảm trung thực, khách quan và công bằng. Kết hợp sử dụng kết quả đánh giá thường xuyên của học sinh với đánh giá định kỳ; đánh giá của giáo viên với tự đánh giá của học sinh.
Tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá theo hướng đánh giá năng lực, coi trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng để giải quyết các tình huống thực tiễn để từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Thực hiện tốt việc khảo sát, đánh giá kết quả học tập, bàn giao chất lượng giáo dục giữa các cấp học để có giải pháp chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục.
Cụ thể:
- Sở GDĐT tổ chức khảo sát chất lượng học sinh lớp 5, lớp 9 theo đề chung trên địa bàn toàn tỉnh.
- Các trường cấp TH, THCS tổ chức kiểm tra định kỳ theo đề chung trong toàn trường. Phòng GDĐT thành phố tổ chức kiểm tra học kỳ theo đề chung các môn Toán, Tiếng Việt lớp 5 và các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh các lớp ở cấp THCS.
2. Thi và tuyển sinh đầu cấp năm học 2022 - 2023
Công tác tổ chức thi, xét tuyển sinh đầu cấp năm học theo quy định của Bộ GDĐT và Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Sở GDĐT tổ chức 01 kỳ khảo sát tuyển sinh vào lớp 6 trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành.
Dự kiến:
+ Lịch khảo sát: từ ngày 03/06 đến ngày 05/6/2022.
+ Khảo sát vào lớp 6 trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành: học sinh thực hiện 01 bài kiểm tra đánh giá năng lực; hình thức trắc nghiệm khách quan.
- Phòng GDĐT thành phố chỉ đạo công tác tuyển sinh vào các trường MN, TH, THCS, TH&THCS trên địa bàn thành phố. Thời gian hoàn thành trước 31/7/2022.
3. Tổ chức cho học sinh tham gia các kỳ thi
a) Thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa cấp THCS
Tiếp tục cải tiến, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi học sinh giỏi các cấp; tăng cường các câu hỏi mở, gắn với thực tiễn, đảm bảo khách quan, lựa chọn đúng học sinh có năng lực tốt góp phần nâng cao chất lượng đội tuyển tham dự các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh.
- Các nhà trường tổ chức thi chọn học sinh giỏi cấp trường cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 xong trước tuần học thứ 15 của năm học.
- Kỳ thi cấp thành phố tổ chức ngay sau kỳ kiểm tra học kỳ I, chấm thi chọn học sinh giỏi lớp 9 xong trước ngày 25/2/2022 (Tùy theo tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19, kế hoạch tổ chức có thể thay đổi phù hợp).
+ Đối tượng: Học sinh lớp 7, lớp 8, lớp 9 có học lực và hạnh kiểm từ khá trở lên (theo kết quả cuối năm học 2020 – 2021), đã tham gia kỳ thi cấp trường.
+ Môn thi: Mỗi học sinh được đăng ký dự thi 01 môn thi. Học sinh lớp 7 thi các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh; Học sinh lớp 8 thi các môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh, Vật lí; Học lớp 9 thi các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tin học (lập trình). Riêng học sinh lớp 8 được đăng ký thi lớp 9 môn Tin học.
Yêu cầu: 100% trường THCS, TH&THCS thành phố phải đặt mục tiêu có học sinh đạt giải trong kỳ thi cấp thành phố. Các trường đang trong lộ trình xây dựng trường trọng điểm về chất lượng phải duy trì được tỷ lệ học sinh đạt giải trong các kỳ thi cấp thành phố và cấp tỉnh đã đạt được trong năm học 2020 - 2021.
b) Tham gia các cuộc thi qua internet, các cuộc thi quốc tế tổ chức.
Hiệu trưởng các nhà trường căn cứ các văn bản triển khai các cuộc của Sở GDĐT, Phòng GDĐT khuyến khích học sinh tự học, đăng ký tham gia các cuộc thi trên tinh thần tự nguyện. Tạo điều kiện về cơ sở vật chất của nhà trường để học sinh được tham gia các vòng thi qua internet.
Không được ép buộc học sinh tham gia các cuộc thi; Không dùng kết quả tham gia các cuộc thi để đánh giá, xếp loại học sinh.
II. Công tác kiếm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
1. Đối với các cơ sở giáo dục
Thực hiện công tác KĐCLGD gắn với công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia theo Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT, Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT, Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT, ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Quy định về KĐCLGD và công nhận đạt chuẩn quốc gia.
100% trường mầm non, phổ thông điều chỉnh, cập nhật báo cáo tự đánh giá, hồ sơ minh chứng theo năm học.
Điều chỉnh kế hoạch cải tiến chất lượng để đảm bảo mục tiêu xây dựng, nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia. Cụ thể:
+ Kế hoạch cải tiến chất lượng phải chỉ rõ từng tiêu chí được nâng cao chất lượng trong năm học và trong giai đoạn 2021-2025.
+ Phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành, sản phẩm đạt được.
2. Đối với các cơ sở giáo dục đã được công nhận KĐCLGD và trường đạt chuẩn quốc gia
- Thực hiện công khai kết quả KĐCLGD và trường chuẩn quốc gia bằng các hình thức: Công khai trong nội bộ nhà trường, trong các cuộc họp với cha mẹ học sinh, với cấp ủy và chính quyền; đăng tải trên trang web của nhà trường (nếu có), niêm yết tại bảng tin và các hình thức phù hợp khác.
- Tiếp tục thực hiện công tác tự đánh giá, tập trung thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng, thường xuyên bổ sung các giải pháp mới để từng bước khắc phục các điểm yếu; chủ động tìm những giải pháp huy động mọi nguồn lực, đặc biệt nguồn lực xã hội hóa để tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của trường đạt chuẩn quốc gia, phát huy kết quả KĐCLGD.
- Duy trì, phát huy kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia để không ngừng nâng cao và cải tiến chất lượng.
- Các đơn vị chưa đạt cấp độ cao nhất, phấn đấu từng bước đề nghị đánh giá ngoài nâng cấp độ kiểm định chất lượng giáo dục và trường chuẩn quốc gia.
- Các đơn vị đã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đủ 5 năm: hoàn thiện hồ sơ, đề nghị đánh giá ngoài theo quy định.
3. Đối với các đơn vị đang trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia
- Chủ động rà soát từng tiêu chí; bổ sung, sắp xếp hệ thống hồ sơ minh chứng; tích cực triển khai, thực hiện phương án cải tiến chất lượng; khắc phục những khó khăn, từng bước đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
- Tổ chức tự đánh giá, hoàn thiện báo cáo tự đánh giá trong năm học; đăng ký đánh giá ngoài; đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định.
- Báo cáo Phòng GDĐT thành phố những khó khăn, vướng mắc để từng bước đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
- Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, minh chứng, dữ liệu liên quan đến các hoạt động của nhà trường, các điều kiện cần thiết khác để phục vụ công tác đánh giá ngoài
- Đăng ký lộ trình đề nghị công nhận về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia (theo mẫu đã gửi).
III. Công tác cấp phát văn bằng chứng chỉ
Thực hiện quản lý, cấp phát văn bằng chứng chỉ theo Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS ban hành kèm theo Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT ngay 29/11/2019 của Bộ GD&ĐT; Quyết định số 166/QĐ- SGDĐT ngày 22/4/2020 của Sở GDĐT về việc ban hành Quy chế bảo quản, sử dụng, cấp phát bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số, chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ ứng dựng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Trên đây là hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý chất lượng và giáo dục nghề nghiệp năm học 2021-2022, yêu cầu các trường triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị phản ánh về bộ phận chuyên môn Phòng GDĐT thành phố để thống nhất giải quyết./.
Tập tin đính kèm